Đăng bởi | 09:13 | 28/12/2020
Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm và làm hài lòng khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Chuyển đổi số đòi hỏi tổ chức phải có một quyết tâm thay đổi từ “gốc rễ”, liên tục thách thức những thói quen, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Như một nhiệm vụ mang tính cấp thiết, sống còn, ngày 27/11/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 632/NQ-HĐTV về Chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” để triển khai đến tất cả các đơn vị và toàn thể CBCNV trong Tập đoàn.
Gia tăng nhận thức toàn xã hội về chuyển đổi số sau đại dịch
Chuyển đổi số là thuật ngữ chung, có nghĩa là áp dụng các công cụ và công nghệ kỹ thuật số để tác động đến tất cả các khía cạnh kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay từ chuỗi cung ứng (sử dụng Internet vạn vật IoT và công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến RFID), đến tiếp xúc khách hàng (thông qua phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử), cho tới tiếp thị và bán hàng (sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo và công cụ phân tích dữ liệu lớn), chuyển đổi số là quá trình khai thác các công nghệ và khả năng hỗ trợ để tạo ra mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới.
Điều này đặc biệt cần thiết trong khối ASEAN vì các hoạt động giao dịch, thương mại và hợp tác xuyên biên giới đã diễn ra từ rất lâu và mạnh mẽ trước khi xảy ra đại dịch. Mười thành viên của ASEAN bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines, có tổng dân số tương đương 661 triệu và cả nghìn tỷ USD sức mua. Trong khi GDP bình quân đầu người rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên, đại dịch sẽ tác động mạnh đến ASEAN.
Tại Mỹ, các chuyên gia tài chính phố Wall đánh giá đại dịch sẽ khiến GDP toàn cầu mất đi ít nhất hơn 5.000 tỷ USD. Chỉ riêng tại Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới có khả năng trải qua một nền kinh tế yếu kém trong thời gian dài. Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu của Mỹ đã giảm hơn 13%, tương đương 176 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nền kinh tế Mỹ chiếm khoảng ¼ GDP toàn cầu, do đó sức khỏe nền kinh tế Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế các quốc gia khác. Nhìn chung, IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống khoảng 3% trong năm 2020, có thể coi đây là đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ giai đoạn Đại khủng hoảng thập niên 1930.
Đối với các nước EU, trong những tháng gần đây các doanh nghiệp lớn như Ryanair của Ireland, Renault và Air France của Pháp, Lufthansa và Thyssenkrupp của Đức đều đã thông báo cắt giảm đáng kể nhân viên. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Châu Âu cũng đã phải đóng cửa do đại dịch.
Theo các nghiên cứu gần đây, sự phục hồi hậu COVID-19 sẽ dựa vào khả năng số hóa. Chúng ta đã thu ngắn bước tiến năm năm trong việc ứng dụng kỹ thuật số cho người tiêu dùng và doanh nghiệp xuống chỉ gói gọn trong khoảng tám tuần là những gì đã diễn ra trong thời gian đầu của đại dịch. Các ngân hàng đã nhanh chóng chuyển sang hình thức dịch vụ từ xa và triển khai tiếp cận khách hàng bằng phương thức kỹ thuật số nhằm sắp xếp thanh toán linh hoạt cho các khoản vay và thế chấp. Các cửa hàng bán lẻ đã chuyển sang đặt hàng trực tuyến và giao hàng như là mảng kinh doanh chính. Các trường học ở nhiều địa phương đã chuyển sang 100% các lớp học trực tuyến và kỹ thuật số. Các bác sĩ đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Các nhà máy đang tích cực phát triển các kế hoạch cho dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng ngay cả trong trường hợp phải tạm nghỉ dịch…
Doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?
Câu hỏi đặt ra là, các doanh nghiệp nên có kế hoạch bắt đầu và tiếp tục trên con đường chuyển đổi số trong thời gian này như thế nào? Các doanh nghiệp ASEAN có thể làm gì để đẩy nhanh hành trình chuyển đổi số của mình? Dưới đây là bảy bước chính mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để chuyển đổi việc kinh doanh, bao gồm cả hoạt động nội bộ và với các đối tác liên quan bên ngoài:
Điều quan trọng là doanh nghiệp cần triển khai bảy bước nêu trên vào tất cả các mô hình kinh doanh để đảm bảo chuyển đổi số có thể diễn ra trên toàn doanh nghiệp. Hành trình chuyển đổi số giúp tổ chức trở nên nhanh nhẹn, nhạy bén, có khả năng tận dụng các công cụ và công nghệ kỹ thuật số. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng hoặc cung cấp dịch vụ nhanh hơn cho khách hàng, hoặc giúp các bên liên quan, các đối tác kinh doanh kết nối với doanh nghiệp nhanh chóng và hiệu quả.
Các doanh nghiệp chuyển đổi số có thể dễ dàng vượt qua Covid-19
Xét ở góc độ tích cực, đại dịch Covid-19 hiện nay thực sự là cơ hội để doanh nghiệp nhận ra sự ưu việt của nền kinh tế số và tạo ra tính cấp bách hơn trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn thế giới giãn cách xã hội - điều không mong muốn của bất kỳ doanh nghiệp nào đã khiến chuyển đổi số trở thành giải pháp tình thế trên quy mô toàn cầu.
Thực trạng doanh nghiệp thời gian qua
Cú sốc về kinh tế do Covid-19 gây ra cũng đã khiến cho toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam phải chao đảo. Các nhóm ngành doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng như du lịch, hàng không, nhà hàng-khách sạn… đều đã rơi vào tình trạng “đóng băng” trong thời gian qua. Doanh thu của các doanh nghiệp dự báo cả năm 2020 sẽ bị sụt giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ. Hàng loạt các kế hoạch xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các quý và năm tiếp theo. Cùng với việc doanh thu giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp vẫn phải gánh thêm các khoản chi phí cố định như chi trả lương và các khoản phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng…
Các khó khăn không nhỏ về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến doanh nghiệp sử dụng các biện pháp liên quan như cắt giảm lao động trên gần 30% doanh nghiệp, trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương người lao động.
Chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp phục hồi và bứt phá trong thời gian tới
Theo đánh giá từ các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua tình thế khó khăn này. Cũng theo ghi nhận trong thời gian qua, doanh nghiệp trên hầu hết các ngành và lĩnh vực đã thực hiện áp dụng các giải pháp công nghệ lên công tác quản lý và vận hành, số hóa dây chuyền sản xuất, áp dụng tự động hóa bán hàng, số hóa dữ liệu doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Đặc biệt từ khi ban hành lệnh giãn cách xã hội toàn quốc, xu hướng chuyển đổi số càng được các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh triển khai. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vận hành, chi phí sản xuất, qua đó cuộc chuyển mình hướng tới chuyển đổi số đã giải quyết được bài toán hiệu quả và có tính cách mạng. Đã có không ít doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trước khi biến cố Covid-19 xảy ra. Bởi đa số các doanh nghiệp này có tầm nhìn chiến lược dài hạn, chủ động trong việc tự động hóa hoạt động kinh doanh và hơn hết là họ có một nhận thức về tầm ảnh hưởng của công nghệ, về lợi ích chuyển đổi số lên năng suất và hiệu quả công việc.
Dịch bệnh đã tác động không nhỏ lên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt là các doanh nghiệp như du lịch, hàng không, nhà hàng-khách sạn, F&B,… đang phải chịu tổn thất nặng nề. Nhưng điều đó cũng không khiến những doanh nghiệp có tư duy đổi mới và biết nắm bắt thời thế đứng im trong trận chiến, rất nhiều giải pháp đã được đưa để khắc phục tình thế. Trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ chủ động triển khai bán hàng đa kênh, dịch chuyển từ việc mua sắm vật lý lên nền tảng thương mại điện tử và các kênh bán hàng online. Hay như nhiều doanh nghiệp đã kịp thời thay đổi để thích ứng với quy định giãn cách xã hội bằng việc chủ động lên phương án để nhân viên làm việc tại nhà, số hóa quy trình vận hành doanh nghiệp, tự động hóa quản lý công việc, tự động giao việc nhằm hạn chế nhân viên làm việc tại văn phòng. Doanh nghiệp đã thay đổi tư duy để tồn tại và phát triển, xây dựng định hướng làm việc từ xa không chỉ trong Covid-19 mà còn có thể ứng dụng tại bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào trong tương lai.
Cuộc vươn mình chuyển đổi số mạnh mẽ và nhanh chóng của doanh nghiệp được cụ thể ở các bước chuyển đổi số:
Doanh nghiệp Việt Nam ở đâu trên bản đồ chuyển đổi số thế giới
Trước đại dịch, International Data Corperation (tổ chức đầu tư mạo hiểm và quản lý, nghiên cứu và truyền thông kỹ thuật số hàng đầu của Mỹ) đã dự báo đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên toàn thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. So sánh tại khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu vẫn là Singapore với những hành động cụ thể và tuyên bố của Thủ tướng về chương trình chuyển đổi số để đưa Singapore trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ thông minh. Indonesia cũng có mục tiêu cụ thể khi ước tính chuyển đổi số sẽ tạo ra giá trị mới đạt 150 tỷ USD, tương đương với 10% GDP vào năm 2025 tại đất nước này. Và mới đây nhất Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố chương trình chuyển đổi số, trọng tâm là đưa đất nước này trở thành trung tâm tài chính công nghệ (Fintech), Blockchain và thiết bị bay thông minh (dronetech).
Tại Việt Nam, từ năm 2008 đến 2018 đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,08% và được đánh giá là nhóm tăng trưởng cao nhất Châu Á cũng như thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, quy trình đổi mới công nghệ đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, vị thế ngày một được khẳng định trên thị trường thế giới. Ngoài ra, Việt Nam hướng tới trở thành nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), kinh tế số chiếm 20% GDP và năng suất lao động hàng năm tối thiểu 7%.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, xác định tầm nhìn Việt Nam phải trở thành quốc gia số và đi tiên phong trong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Chương trình chuyển đổi số quốc gia tích hợp với chương trình phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tạo thành những trụ cột, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh dịch bệnh COVID đang gây nên những khủng hoảng mang bình diện toàn cầu.
Rào cản và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp
Tuy nhiên những mục tiêu trên lại đang vô cùng thách thức khi hiện tại, Bộ Công thương và UNDP khảo sát trên 2.659 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Có tới 82% doanh nghiệp mới ở vị trí “chập chững” tham gia, 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và chỉ 21% doanh nghiệp mới bắt đầu “nhập cuộc đua” đầy thử thách này. Rào cản của các doanh nghiệp hầu hết nằm ở các nguyên nhân: - Nguồn nhân lực còn hạn chế do chưa được chú trọng đầu tư, bồi dưỡng. - Các chính sách, quy định để thúc đẩy phát triển kinh tế của doanh nghiệp chưa đáp ứng được vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số. - Sự đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, chưa có sự sáng tạo. - Đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng đủ nhu cầu. - Tỷ lệ doanh nghiệp có nhận thức, hiểu biết về công nghệ thông tin còn chưa nhiều. Có thể thấy, quá trình dịch chuyển của chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra tương đối chậm. Khi hầu hết các doanh nghiệp, khối cơ quan, tổ chức vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, tư duy “sợ mất mát” “ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. Để giải quyết triệt để rào cản nhằm hướng tới tương lai cách mạng chuyển đổi số mạnh mẽ cho doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới tư duy, định hình chiến lược vận hành và mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó phải xác định mô hình quản trị tương lai dựa trên nền tảng công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng bên cạnh cơ sở hạ tầng đồng bộ. Với hướng tư duy đổi mới và chiến lược rõ ràng, cùng với sự trợ giúp của các giải pháp công nghệ chuyển đổi số và quy trình vận hành tốt, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể có một sức bật để tạo nên nền tảng vững chắc trong tương lai.
(Trích dẫn và tổng hợp từ Tạp chí Thông tin và Truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông; Trang tin điện tử của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và các trang nghiên cứu chuyên ngành khác)
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng