Đăng bởi EVN SPC | 01:58 | 21/04/2016
Sáng ngày 20/4/2016, đoàn công tác của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp để báo cáo về công tác đầu tư xây dựng lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, trong chương trình đăng ký làm việc với Lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam.
Đồng chí Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạh & Đầu tư và Sở Giao thông tỉnh Đồng Tháp đã tiếp và làm việc với đoàn của EVN SPC và Công ty Điện lực Đồng Tháp (PC Đồng Tháp) tại Văn phòng UBND tỉnh.
Công tác đầu tư lưới điện và kết quả cung cấp điện năm 2015: EVN SPC đã thực hiện đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với tổng số vốn 187 tỷ đồng cho các công trình:
+ Lưới điện 110kV: Đầu tư 159 tỷ đồng và đã đóng điện 7 công trình với khối lượng 29,6km đường dây và 147MVA công suất trạm, bao gồm: Trạm Châu Thành (40MVA) và 0,2km đường dây đấu nối, thay máy biến áp 2x40MVA bằng 2x63MVA trạm Thạnh Hưng, lắp máy biến áp T2-63MVA trạm An Hòa, cải tạo trạm Sa Đéc, hoàn chỉnh sơ đồ nhất thứ trạm An Long và phân pha dây dẫn ACSR185 + ACSR240 thành 2xACSR185 + 2xACSR240 đường dây An Hòa - Thạnh Hưng (29,4km).
+ Lưới điện phân phối: Đầu tư 28 tỷ đồng cho 26 công trình lưới điện, bao gồm: 45,4km đường dây trung áp, 91,6km đường dây hạ áp và 9,48MVA trạm phân phối; thay dây 133,8km đường dây trung áp và 188km đường dây hạ áp.
Tình hình thực hiện đầu tư giai đoạn 2011-2015: EVN SPC đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với tổng giá trị 749 tỷ đồng, đã đóng điện đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện quan trọng đáp ứng nhu cầu cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bao gồm: 152km và 269MVA trạm 110kV; 772km đường dây trung áp, 821km đường dây hạ áp và 79MVA trạm phân phối.
+ EVN SPC đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, như: Thực hiện tốt việc cấp điện cho các thành phần phụ tải quan trọng, phụ tải sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh; đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện trong mùa khô; đã đảm bảo cung cấp điện an toàn cho các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của địa phương trong năm 2015 với 1.868,4 triệu kWh, tăng 10,73% so với năm 2014, xếp thứ 9/21 và chiếm tỷ trọng là 3,72% trong tỉnh, thành phố phía Nam. Tính đến cuối năm 2015, tổng số hộ dân có điện toàn tỉnh là 515.466 hộ, đạt tỷ lệ 99,98%, trong đó số hộ nông thôn có điện là 420.244 hộ, đạt tỷ lệ 99,96%.
+ Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 10 trạm biến áp 110kV với 685MVA do EVN SPC quản lý: Trạm An Hòa (2x63MVA), An Long (1x40MVA), Cao Lãnh (25+63 MVA), Hồng Ngự (2x40MVA), Nha Mân (1x40MVA), Sa Đéc (25+40 MVA), Sông Hậu (1x40 MVA), Thạnh Hưng (2x63MVA), Tháp Mười (1x40MVA) và Trần Quốc Toản (1x40MVA). Dự kiến công suất lớn nhất năm 2016 (Pmax) là 356MW, sản lượng điện thương phẩm 2.020 triệu kWh (tăng 9,94% so với năm 2015).
+ Hoạt động đầu tư lưới điện năm 2016: Năm 2016, EVN SPC bố trí 546 tỷ đồng để đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh, bao gồm:
+ Lưới điện 220kV: Trạm Sa Đéc 2 (1x250MVA) và đường dây nối với tổng mức đầu tư 278 tỷ đồng.
+ Lưới điện 110kV: Tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng cho 9 công trình lưới điện với 73,2km đường dây và 138MVA tổng công suất trạm biến áp. Đã đóng điện các công trình:
Phân pha dây dẫn: 29,4km An Hòa - Thạnh Hưng (32 tỷ đồng), 25km Cao Lãnh 2 - Thạnh Hưng (25 tỷ đồng), 6,2km 2 mạch 171&173 Cao Lãnh 2 - 173&171 Cao Lãnh (16 tỷ đồng);
Thay máy biến áp: T1-25MVA bằng 40MVA trạm An Long (14 tỷ đồng), T1&T2-2x25MVA bằng 2x40MVA trạm Hồng Ngự (25 tỷ đồng), T2-25MVA bằng 40MVA trạm Sa Đéc (14 tỷ đồng), T2-25MVA bằng 63MVA trạm Cao Lãnh (16 tỷ đồng);
Lắp máy biến áp T2-40MVA trạm Trần Quốc Toản (31 tỷ đồng);
Phục hồi khoảng vượt sông Tiền 3km đường dây Cao Lãnh 2 - Thạnh Hưng (74 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, EVN SPC đang chuẩn bị đầu tư 4 công trình, bao gồm: Trạm Tam Nông (40MVA) và 33km đường dây Tháp Mười - Tam Nông (106 tỷ đồng), trạm Tân Hồng (40MVA) và 49km đường dây Hồng Ngự - Tân Hồng - Vĩnh Hưng (217 tỷ đồng), 21km đường dây Tam Nông - An Long (84 tỷ đồng), trạm KCN Trường Xuân (40MVA) và 2km đường dây đấu nối (56 tỷ đồng).
Lưới điện phân phối: Bố trí 37 tỷ đồng đầu tư 49 công trình có khối lượng 30km đường dây trung áp, 175km đường dây hạ áp và 10,6MVA trạm phân phối. Ngoài ra, EVN SPC đang chuẩn bị đầu tư dự án:
Cải tạo nâng cấp lưới điện phân phối tại các thành phố vừa và nhỏ vay vốn KfW: 455km đường dây trung áp, 2MVA trạm phân phối, 100km đường dây hạ áp với tổng mức đầu tư 190,2 tỷ đồng;
Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 201km đường dây trung áp, 487km đường dây hạ áp và 27,6MVA trạm phân phối với tổng mức đầu tư 291,8 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện thực tế phụ thuộc vào giá trị vốn ngân sách nhà nước cấp trong từng năm.
Dự kiến đầu tư giai đoạn 2016-2020: Đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp 2.086 tỷ đồng để thực hiện các công trình lưới điện 220kV, 110kV và lưới phân phối để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế khu vực, bao gồm các dự án:
Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia;
Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực trung tâm thị xã, thành phố;
Nâng cao độ tin cậy lưới điện phân phối theo tiêu chuẩn N-1;
Lưới điện 220kV: Trạm KCN Sa Đéc và đường dây đấu nối;
Lưới điện 110kV: Trạm Tam Nông và đường dây Tháp Mười - Tam Nông, đường dây Tam Nông - An Long, trạm KCN Trường Xuân và đường dây đấu nối, đường dây Vĩnh Hưng - Tam Nông, đường dây Hồng Ngự - Tân Hồng - Vĩnh Hưng và trạm Tân Hồng.
Các kiến nghị của EVN SPC với tỉnh Đồng Tháp: Để có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp điện theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Tổng công ty đã tiến hành rà soát các nội dung trong Nghị quyết của tỉnh, để cập nhật những mục tiêu, vấn đề cần phải đáp ứng thuộc trách nhiệm của ngành Điện, từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện, từng bước đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương góp phần hoàn thành chỉ tiêu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN SPC Nguyễn Văn Hợp khẳng định sẽ cố gắng chủ động tối đa nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu về điện trên địa bàn với mong muốn được lắng nghe ý kiến của địa phương để chuẩn bị thực thi các giải pháp hiệu quả trong cung cấp điện, cũng như sẽ tích cực sát cánh với địa phương trong việc chống hạn đang diễn biến phức tạp, đồng thời đề nghị địa phương bổ sung kịp thời các nhu cầu mới vào quy hoạch điện lực, trong đó EVN SPC sẽ bố trí vốn để đầu tư trong năm 2016 4 trạm bơm phục vụ bơm tưới và chống hạn ở huyện Tân Hồng. Bên cạnh đó, EVN SPC rất mong và đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ của Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và sự phối hợp tích cực từ các Sở, Ban ngành địa phương, đặc biệt trong các công việc như sau:
Đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đề nghị tỉnh hỗ trợ tối đa các công trình: Phục hồi khoảng vượt Sông Tiền của đường dây 110kV Cao Lãnh 2 - Thạnh Hưng, trạm 110kV Tam Nông và đường dây 110kV Tháp Mười - Tam Nông;
Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, tuyên truyền những chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng, thay đèn chiếu sáng sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện như đèn compact, đèn led. Có tiến trình cụ thể xóa đèn sợi đốt trong sinh hoạt và sản xuất;
Sớm hoàn chỉnh Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 và trình Bộ Công Thươn phê duyệt để EVN có cơ sở triển khai thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc đánh giá cao những nỗ lực của ngành Điện trong công tác cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo cho đời sống của Nhân dân, đồng thời cam kết khẳng định sẽ tập trung cho rằng việc phối hợp tốt để EVN SPC hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện trên địa bàn của tỉnh Đồng Tháp. Về công tác tiết kiệm điện, một trong những quyết tâm của tỉnh mà theo đồng chí Châu Hồng Phúc, đó là sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ các nhu cầu mua sắm, trang bị thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và có hiệu suất cao cho các công trình công cộng, trụ sở xây dựng mới... trên toàn địa bàn của tỉnh Đồng Tháp./.
Theo EVN SPC
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng