Đăng bởi Báo Công | 09:34 | 03/06/2014
Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình tiết kiệm điện, người dân của 21 tỉnh thành phía Nam đã tiết kiệm được 2,85 tỷ kWh điện, xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm được sẽ còn tăng lên khi chương trình tiết kiệm điện đang được phổ cập đến từng hộ dân.
Nhân viên điện lực thay bóng đèn tiết kiệm điện cho người dân miền Tây Nam bộ.
Những ấp văn hóa tiết kiệm điện
Tại 21 tỉnh thành ở miền Nam, nhiều chương trình tiết kiệm điện đã được triển khai, trong đó "Ấp văn hóa tiết kiệm điện" là mô hình được áp dụng phổ biến. Ông Phạm Hữu Khải- Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp- cho biết, chương trình tiết kiệm điện được phổ biến rộng rãi đến từng hộ dân và dân Đồng Tháp hưởng ứng nhiệt tình.
Tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, mô hình "Ấp văn hóa tiết kiệm điện" được triển khai từ năm 2013 với gần 1000 hộ tham gia. Ông Huỳnh Văn Bá- ngụ ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò- cho biết, nhờ nhân viên điện lực đến nhà thay bóng đèn tròn sợi đốt bằng bóng đèn tiết kiệm điện, hướng dẫn về cách sử dụng điện trong nhà như ti vi, bàn ủi, tủ lạnh...nhờ vậy gia đình tiết kiệm được khoảng 200 000 đồng tiền điện mỗi tháng, giảm gần nửa số tiền điện so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tạo- tổ 4, ấp 2, xã Mỹ Tân, Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp- đăng ký "gia đình văn hóa tiết kiệm điện" vài năm qua cho biết, với phương châm "Ra tắt- vào mở", kết hợp với thay mới thiết bị điện đã cũ, giảm số lần mở cửa tủ lạnh, dùng máy lạnh ở nhiệt độ 25-27độC, tắt máy lạnh 5-10 phút trước khi ra khỏi phòng, các thành viên trong nhà sử dụng chung một ti vi, mỗi tháng gia đình tiết kiệm 40-50kWh điện, nhưng cái được lớn nhất là các thành viên trong nhà đều ý thức rõ mục đích và tập được thói quen sử dụng tiết kiệm điện.
Bà Nguyễn Thị Qua, nông dân ngụ tại thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang kể, từ khi được tư vấn về cách xài điện tiết kiệm, gia đình bà tiết kiệm được từ 100.000- 150.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Kinh nghiệm sử dụng điện tiết kiệm của bà Qua là sử dụng điện khi thật cần thiết, thay thế các dụng cụ điện bằng loại tiết kiệm điện, giặt quần áo khi đã đủ trọng lượng, ủi quần áo mỏng trước khi ủi quần, đun nấu cám heo và nước uống bằng củi, lá cây tận dụng trong vườn nhà thay cho bếp điện. Bà Qua khoe, nhờ xài điện tắt mở hợp lý mỗi tháng giảm được 90.000- 100.000 đồng tiền điện, đối với nhà nông đây là số tiền không nhỏ.
Huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đưa mô hình ấp văn hóa-khu phố văn hóa tiết kiệm điện áp dụng tại khu phố 1, thị Trấn Giồng Trôm và ấp 5, xã Tân Lợi Thạnh, khi triển khai chương trình này người dân ở đây rất hồ hởi tham gia. Ông Trần Văn Thanh, cư dân ấp 5, xã Tân Lợi Thạnh cho biết, tại ấp 5 hiện có hơn 200 hộ đã ký cam kết tiết kiệm từ 6-10% lượng điện sử dụng và trên 80% hộ sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Nhiều gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như máy lạnh, bình nước nóng, bàn ủi điện trong giờ cao điểm từ 17-21 giờ, sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng nên mỗi ngày đã tiết kiệm được hàng nghìn chỉ số điện. Theo ông Thanh, việc xài điện lâu nay mạnh ai nấy bật tắt theo nhu cầu, ít ai biết rõ lượng điện đã thất thoát trong quá trình sử là bao nhiêu, nhưng khi được ngành điện lực chỉ rõ thì mọi người mới té ngữa mình đã chi lố tiền điện mà mình không sử dụng đến.
Tại các vùng nông thôn ở Nam Bộ, ngoài phục vụ sinh hoạt, điện còn phục vụ sản xuất nông nghiệp và chi phí tiền điện luôn được nông dân lo nghĩ. Ông Châu Tỷ- chủ vườn nhãn, chôm chôm hơn 3 ha tại khu phố 1, thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre- tính toán, vào mùa khô mỗi tháng trả gần 5 triệu đồng tiền điện, nếu không tiết kiệm điện thì phải tốn thêm 1 triệu đồng nữa. Kinh nghiệm sử dụng điện trong tưới tiêu cây trồng của ông Tỷ là chuẩn bị kỹ hệ thống ống dẫn, đào và be bờ bao quanh gốc cây để giữ nước cẩn thận, kiểm soát mức nước tưới vừa đủ, không sử dụng các loại thiết bị điện đã cũ nhằm trách tiêu hao nhiều điện và tưới vào buổi chiều tối để tiết kiệm nước...
Thay đổi một thói quen tiết kiệm nghìn tỷ đồng
Chương trình tiết kiệm điện đang được người dân miền Nam hồ hởi tham gia.
Ông Nguyễn Văn Hợp- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC)- cho biết, tính từ 2009 đến hết 4 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn 21 tỉnh của EVN SPC đã tiết kiệm được 2,85 tỷ kWh điện, giá trị gần 3.000 tỷ đồng. Để có được những kết quả trên, ngoài quyết liệt tuyên truyền đến với từng hộ dân, EVN SPC đã xây dựng được 523 ấp, khu dân cư văn hóa tiết kiệm điện với gần 220.000 hộ tham gia. "Chúng tôi còn phối hợp với các DN bán giảm, trợ giá 1,3 triệu bóng đèn compact, thay thế 95.000 bóng đèn compact 20W thay đèn tròn, hỗ trợ lắp đặt 17.000 bình nước nóng sử năng lượng mặt trời và vận động 19.000 khách hàng sử dụng điện sản xuất, kinh doanh tiết kiệm từ 5-10% sản lượng điện sử dụng. Cái lớn của chương trình tiết kiệm điện là đã làm thay đổi dần nhận thức, thói quen sử dụng điện tiết kiệm của khách hàng, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn"- ông Hợp cho biết.
Để chương trình tiết kiệm điện hiện thực vào cuộc sống, EVN SPC yêu cầu các đơn vị thành viên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, các đoàn thể, chính quyền các tỉnh thành phát động nhân dân tham gia với tiêu chí có trên 50% hộ dân trong ấp/khu dân cư hoặc tuyến phố đạt chỉ tiêu tiết kiệm điện từ 5% trở lên so với mức sử dụng điện năm trước. Trên địa bàn không còn trường hợp sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt trong chiếu sáng sinh hoạt; lắp đặt, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như đèn compact, đèn Led, bình nước nóng năng lượng mặt trời, điều chỉnh hệ thống chiếu sáng công cộng hợp lý, các DN ký cam kết sử dụng điện tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh...
Ông Nguyễn Văn Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- cho biết, năm 2012, sản lượng điện tiết kiệm của Đồng Tháp đạt 23,72 triệu kWh, chiếm 1,68% tổng sản lượng điện thương phẩm; sản lượng điện tiết kiệm năm 2013 đạt 40 triệu kWh, chiếm 2,64% tổng sản lượng điện thương phẩm. Để có được những kết quả trên, chúng tôi thực hiện quyết liệt quy chế phối hợp công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, giám sát cung ứng, sử dụng điện giữa công ty điện lực với các đoàn thể, DN theo mô hình xã hội hóa hoạt động tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả.
Ông Lưu Thanh Nam- Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang- cho biết, chương trình tiết kiệm điện đã được phổ cập đến từng khu dân cư tại Tiền Giang. Năm 2013, toàn tỉnh Tiền Giang đã tiết kiệm được gần 40 triệu kWh điện, tăng hơn 46% so với năm 2012. Có được kết quả này là nhờ ngành điện làm mạnh khâu tuyên truyền, phát hơn 260.000 tờ rơi về hướng dẫn sử dụng điện an toàn đến các gia đình; phổ biến kỹ năng sử dụng điện tiết kiệm, phát động chương trình ấp văn hóa tiết kiệm điện với gần 4.300 hộ tham gia. Để tiết kiệm 42 triệu kWh điện trong năm 2014, ngành điện đưa phong trào tiết kiệm điện có chiều sâu, tập trung tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tiết kiệm điện; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể kiểm tra việc thực hiện chương trình tiết kiệm điện của các đơn vị và triển khai chương trình ấp văn hóa tiết kiệm điện từ tháng 4 đến tháng 12/2014.
Hiện EVN SPC tập trung các phương án cung cấp điện đủ cho miền Nam, theo đó điện thương phẩm năm 2014 đạt 44.120 triệu kWh. Dự báo, công suất sử dụng lớn nhất của EVN SPC sẽ lên đến 7.147 MW trong tháng 4/2014, tăng 15,1% so với năm 2013. Trong điều kiện cả khu vực miền Nam hiện không có dự phòng, thậm chí còn thiếu hụt, vì vậy tiết kiệm điện đang được EVN SPC đẩy mạnh triển khai; người dân các địa phương cũng hưởng ứng một cách tích cực và trở thành thói quen hàng ngày.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng