Đăng bởi | 03:14 | 10/08/2011
“Hệ điều độ” là cụm từ dùng để gọi những người làm công tác chỉ huy, điều hành hệ thống điện (HTĐ), nó có chức năng liên kết các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện trong một hệ thống thống nhất.
Ảnh từ EVNSPC
Thông thường tại các Công ty Điện lực, Phòng Điều độ có hai bộ phận: Bộ phận Trực ban gồm các Điều độ viên (ĐĐV) làm việc theo ca; chỉ huy điều hành HTĐ 24/24 giờ thông qua nhân viên trực ban ở các TBA 110KV, TBA trung gian, các nhà máy điện và các nhóm thao tác, xử lý sự cố cơ sở. ĐĐV trực ban có nhiệm vụ vận hành HTĐ theo phương thức đã được duyệt; cho phép các đơn vị công tác vào làm việc trên lưới điện; chỉ huy xử lý sự cố; theo dõi kiểm tra các thông số để vận hành HTĐ ổn định, hiệu quả và có chất lượng. Bộ phận phương thức làm việc hành chính, theo dõi và hỗ trợ cho công tác chỉ huy điều hành HTĐ như: Lập phương thức vận hành; tính toán chỉnh định hệ thống bảo vệ rơle; biên soạn quy trình; tổng hợp phân tích số liệu, thống kê, báo cáo…
Từng ngày, từng giờ, ĐĐV phải đối mặt với rất nhiều áp lực, do sự tác động của cả chủ thể lẫn khách thể. Từ điều kiện thời tiết xấu như giông sét, mưa to, gió lốc, sương muối… hay việc trồng cây, đốn cây gây ngã đổ vào đường dây hoặc xây nhà sát hành lang lưới điện đều gây gián đoạn việc cung cấp điện. Mọi sự cố xảy ra đều được tập trung về một đầu mối chỉ huy xử lý là phòng Điều độ, ĐĐV trực ca phải tiếp nhận, phân tích thông tin, ra các mệnh lệnh cho các đội thao tác để tiến hành phân đoạn, cô lập điểm sự cố để xử lý khắc phục hay tìm phương án cấp điện cho phụ tải. Nếu bão lớn, lụt to, lưới điện sẽ hư hỏng nặng, việc cung cấp điện bị gián đoạn trên diện rộng và thời gian khắc phục kéo dài. Áp lực công việc đối với ĐĐV lúc này là rất lớn, phải kiểm soát được tình hình vận hành của toàn bộ HTĐ, làm việc đồng thời với nhiều đội xử lý sự cố ở các nơi, vừa phải đảm bảo an toàn lao động, vừa phải khắc phục sự cố nhanh để cấp điện cho khách hàng.
Mùa khô, nguồn điện quốc gia khó khăn, phải thực hiện điều hoà tiết giảm điện để phụ tải không vượt mức khống chế về công suất và sản lượng. Lúc này, ĐĐV phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp. Do phương án tiết giảm phải đảm bảo cấp điện ưu tiên cho một số khu vực và một số phụ tải quan trọng; hơn nữa mùa tiết giảm phụ tải cũng là mùa sản xuất nông nghiệp cần nước đổ ải, rất cần điện để bơm nước chống hạn, nhưng các trạm bơm lại thường nằm chung đường dây với các phụ tải không được ưu tiên, vì vậy, ĐĐV càng thêm vất vả bởi phải thực hiện sa thải từng nhánh rẽ, từng trạm biến áp phụ tải, khối lượng thao tác nhiều, thời gian kéo dài.
Ngoài ra, ĐĐV còn phải thường xuyên chỉ huy thao tác để bàn giao công tác theo kế hoạch đã được duyệt. Do yêu cầu cung cấp điện, khi có công tác tại các TBA 110KV hay TBA trung gian, rất nhiều đơn vị công tác kết hợp, ĐĐV phải chỉ huy thao tác với khối lượng tương đối lớn. Vì vậy, ĐĐV phải bố trí thao tác một cách hợp lý, nắm vững phạm vi làm việc cùng những biện pháp an toàn của từng đội công tác.
Những lúc mất điện trên diện rộng, ĐĐV bận túi bụi với công việc. Lúc này, khách hàng cũng thường điện thoại đến để phàn nàn, thắc mắc, thậm chí còn la lối, quát tháo với ĐĐV. Không bắt máy thì bất lịch sự, còn trả lời sẽ mất thời gian, ảnh hưởng đến quá trình thao tác, kéo dài thời gian xử lý sự cố. Tuỳ theo từng tình huống cụ thể mà các ĐĐV có cách ứng xử riêng. Tuy nhiên nếu không khéo léo thì rất dễ bị phân tâm, dẫn đến sai lầm trong thao tác.
HTĐ được vận hành ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao, việc cung cấp điện cho khách hàng đảm bảo chất lượng điện năng và giảm thiểu thời gian mất điện phụ thuộc nhiều vào công tác chỉ huy điều hành của ĐĐV. Ngoài năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm, các ĐĐV còn phải nhạy bén, phán đoán xử lý nhanh mọi tình huống. Do vậy, ngành điện rất chú trọng chọn lựa ĐĐV theo những tiêu chuẩn riêng có; đào tạo kỹ trước khi giao việc. Ra thực tế, các ĐĐV còn được lãnh đạo Công ty Điện lực quan tâm, tạo điều kiện học tập quy trình quy phạm, đi thực tế để nắm sơ đồ lưới điện, địa hình khu vực đường dây đi qua; nghiên cứu khai thác tính năng của thiết bị, các phần mềm ứng dụng để phục vụ công việc; tham gia các buổi trao đổi, rút kinh nghiệm những tình huống xử lý thực tế... Ngoài ra, để giảm bớt những căng thẳng trong công việc, sự đơn điệu trong trực ca, Công đoàn bộ phận thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, tổ chức các buổi sinh hoạt chung cho CBCNV và gia đình đi tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài Công ty. Đây chính là nguồn động viên, khích lệ đối với những người làm công tác điều độ HTĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, cũng như nhu cầu sinh hoạt của nhân dân./.
Điều độ HTĐ quốc gia chia thành 3 cấp: Cấp điều độ HTĐ quốc gia do Trung tâm điều độ HTĐ Quốc gia (A0) đảm nhiệm; cấp điều độ HTĐ miền do các Trung tâm điều độ HTĐ miền tại miền Bắc (A1), miền Nam (A2) và miền Trung (A3) đảm nhiệm; sau hết là cấp điều độ lưới điện phân phối do phòng Điều độ các Công ty Điện lực đảm nhiệm. |
(Theo: Ban KTSX-EVNSPC )
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng