Đăng bởi | 00:20 | 03/08/2011
Từ ngày 1/7 bắt đầu triển khai thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Tiến Dũng, viện trưởng Viện Năng lượng, đây mới chỉ là thời điểm để các nhà cung cấp điện tập dượt, còn giá bán điện cho người dân vẫn chưa có ảnh hưởng trực tiếp từ chủ trương này.
TS Hoàng Tiến Dũng
Người tiêu dùng chưa được lợi
Thưa ông, việc thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh sẽ đem lại cho người dân những quyền lợi gì?
Ý tưởng về một thị trường phát điện cạnh tranh là rất tốt, vì nó mang lại lợi ích cho người tiêu thụ điện khi họ được hưởng giá hợp lý, cung cấp điện ổn định, chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa có những biến động trên thị trường ảnh hưởng tới người dân.
Vì sao vậy, thưa ông?
Thực tế, do nguồn điện còn ít, cung không đủ cầu nên chưa thể có sự cạnh tranh. Thứ nữa, ở giai đoạn những tháng đầu tiên này thì việc thí điểm chỉ mang tính chất tập dượt để nhà cung cấp điện làm quen với cách chào giá. Sự chào giá cũng mới chỉ thể hiện trên giấy, còn thực chất bên mua điện vẫn mua với giá trước đây. Giá bán điện cho các hộ tiêu thụ vẫn do Chính phủ quy định.
Nghĩa là, việc thí điểm này chỉ mang tính chất "bình mới, rượu cũ"?
Đây là giai đoạn khởi đầu. Chúng ta đang đi theo lộ trình nên chắc chắn sẽ có những thay đổi.
Chẳng ai lỗ khi bán điện cho EVN
"EVN là công ty cung cấp dịch vụ công cộng, đương nhiên tiêu chí hàng đầu là thỏa mãn khách hàng của họ. Tuy nhiên, "lực bất tòng tâm" do khó thu hút nhà đầu tư vào điện, thiếu điện nên bất đắc dĩ họ phải cắt điện thôi. Hiện tại, mùa mưa thì có thể sẽ có sự cạnh tranh chứ mùa khô thì phải huy động tất cả các nguồn phát điện, cung không đủ cầu thì làm gì còn cạnh tranh nữa". |
Ông bảo, do nguồn điện còn ít nên chưa thể có sự cạnh tranh. Sự thiếu nguồn điện này là do đâu?
Đầu tư vào điện cần một nguồn vốn rất lớn, đến hàng triệu đô la cho 1MW nguồn điện và phải mất 15 - 16 năm sau mới bắt đầu có lãi. Do đó, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Thứ nữa, theo tôi là do giá điện bán ra còn thấp trong khi chi phí sản xuất ngày một cao nên mặc dù Nhà nước khuyến khích các đơn vị ngoài các tập đoàn kinh tế Nhà nước tham gia thị trường điện nhưng vẫn chưa có hiệu quả.
Nhưng thực tế thì vẫn có nhiều đơn vị đầu tư vào điện đó thôi?
Hiện nay, hầu hết các dự án nguồn điện lớn đều do các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư xây dựng. Các thành phần kinh tế trong nước khác thường lựa chọn các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ. Có một số nhà đầu tư nước ngoài đang tiến hành chuẩn bị đầu tư phát triển nguồn điện. Thế nhưng, điều đó vẫn là chưa đủ, vì như tôi vừa nói, đầu tư vào điện đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, ngay cả những đơn vị thuộc EVN còn khó khăn huống hồ là các đơn vị khác.
Hiện nay, các đơn vị tham gia thị trường điện muốn bán điện đến người dân phải thông qua hệ thống truyền tải do EVN quản lý. Mà "ông" EVN lại mua điện theo hướng có lợi cho mình khiến nhiều nhà đầu tư kêu lỗ. Phải chăng EVN cũng phải có trách nhiệm trong việc để thiếu nguồn điện?
Tất nhiên, nhà sản xuất điện lúc nào cũng kêu EVN là độc quyền nên khi thương thảo hợp đồng luôn ép giá làm cho bên bán điện bất lợi, thế nhưng vẫn phải thấy được khó khăn của EVN. Tôi tin là những người đã đồng ý bán điện cho EVN không hề chịu lỗ, có điều lợi nhuận đó không cao như mong muốn mà thôi. Thêm nữa, cần hiểu rằng, cái độc quyền của EVN trong truyền tải điện là độc quyền tự nhiên, vì EVN chỉ thay mặt Nhà nước quản lý hệ thống này. Đối với nguồn điện, họ cũng chỉ chiếm 60% thôi.
Tôi không bảo vệ EVN!
Nghĩa là trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về EVN? Có phải ông đang "bênh" họ?
"Cũng phải nói rằng, thị trường điện cạnh tranh đang manh nha song đã thể hiện bất cập ở chỗ, Trung tâm Điều độ điện quốc gia lại trực thuộc EVN, ăn lương EVN nên không đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì "ông" này có thể sẽ ưu tiên huy động các nhà máy điện của EVN nhiều hơn các đơn vị khác. Do đó, Nhà nước nên tách nó ra khỏi EVN". |
Tôi không bảo vệ EVN. Tôi đã có thời gian dài làm việc cho EVN nên tôi hiểu khó khăn về vốn của họ cũng như các đơn vị khi tham gia vào thị trường điện. Thực ra, Nhà nước không bỏ vốn cho EVN mà tự họ phải thu xếp vốn cho đầu tư.
Trong khi đó, giá bán điện không đảm bảo có lời thì việc tích lũy đề đầu tư là hết sức khó. Có cảm giác lỗi là của EVN khi thiếu điện nhưng không thể đổ lỗi như thế được. Vấn đề ở đây là phải tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư vào điện, mà trực tiếp nhất là phải tạo ra một mức giá đảm bảo có lợi cho nhà đầu tư.
Vậy theo ông, giá điện bao nhiêu được cho là hợp lý?
Sẽ là phiến diện khi chỉ ra mức giá cụ thể thời điểm này. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay thì giá điện cần tăng thêm 50 - 60% nữa mới đủ bù chi phí sản xuất và có lợi nhuận hợp lý, như thế mới thu hút nhà đầu tư. Thế nhưng, việc tăng giá điện lên cũng khó khăn vì Nhà nước còn phải đảm bảo quyền lợi cho người dân và tính cạnh tranh của hàng hóa nữa.
Còn phải xây nữa
Ông nói thế có nghĩa là mục tiêu xây dựng một thị trường phát điện cạnh tranh là khó khả thi?
Theo lộ trình, năm 2014 chúng ta sẽ có thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, tôi cho là cũng rất khó khăn, vì thời điểm này chúng ta mới trong giai đoạn tập dượt và đang có rất nhiều vấn đề chưa tháo gỡ, nhất là vấn đề nguồn điện. Giá điện thấp đang gây khó cho đầu tư nguồn điện khi không đủ sức mời gọi nhà đầu tư, dù mới đây có quyết định cứ ba tháng mà chi phí đầu vào tăng thì EVN được đề xuất tăng giá bán nhưng chưa thể thay đổi cơ bản được tình hình.
Chẳng lẽ lại không có cách nào giải quyết, thưa ông?
Một trong những vấn đề quan trọng là phải đề ra mức giá hợp lý. Tất nhiên, người dân bỏ thêm một khoản tiền vào tiền điện sinh hoạt hằng tháng thì cũng xót lắm, nhưng phải giúp người ta hiểu được khó khăn của ngành điện và khoản tiền họ bỏ ra mua điện là hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, cần phải đầu tư nguồn phát đủ đáp ứng nhu cầu, khi cung vượt cầu thì mới có cạnh tranh. Đồng thời, cũng phải tạo ra công suất dự phòng đảm bảo an ninh cho hệ thống điện. Nghĩa là, chúng ta cần phải xây thêm những nhà máy điện mới.
Xây thêm ư?
Vâng, tôi cũng rất muốn tin là như thế. Xin cảm ơn ông!
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng