Đăng bởi | 00:19 | 06/07/2011
Bộ Công Thương chưa nhận đề xuất chính thức nào của EVN về việc tăng giá điện từ 1/8 như đồn đoán.
EVN có thể tự tăng giá điện 5% mà không cần ý kiến của cơ quan quản lý. Ảnh: N.M
Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng đã bác bỏ tin giá điện sẽ tăng 8 nấc từ nay đến 2013. Ông Vượng cũng khẳng định, Bộ Công Thương chưa nhận đề xuất chính thức nào của EVN về việc tăng giá điện từ 1/8 như đồn đoán. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta có thể tin chắc rằng giá điện sẽ không tăng tiếp trong năm nay.
Giá chưa thể tăng vì thời tiết
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 1/6/2011, giá bán điện được điều chỉnh trong năm khi có biến động của các thông số đầu vào cơ bản gồm: Giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát. Trong 3 thông số đầu vào này, có thể thấy cơ cấu sản lượng điện phát đang thuận lợi. Theo báo cáo vận hành của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, ngày 29/6, thuỷ điện đang chiếm đến 41,8% tỷ trọng về sản lượng điện, tương đương 132,48 triệu kWh. Còn theo báo cáo của Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2011, đã xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi so với dự kiến. Tổng lượng nước về các hồ thuỷ điện trong 6 tháng đầu năm cao hơn dự kiến khoảng 12,86 tỷ m3, đặc biệt đã xuất hiện lũ tiểu mãn trên các hồ phía Bắc từ 17-18/5. Dự kiến, 6 tháng cuối năm, các hồ chứa thủy điện chuyển sang giai đoạn mùa lũ sẽ nâng cao khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện.
Mặt khác, theo Cục Điều tiết Điện lực, trong 6 tháng đầu năm, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 52,4 tỷ kWh, tăng 10,42% so với cùng kỳ năm 2010, trong khi nhu cầu điện từ đầu năm thấp hơn so với dự kiến của EVN. Kế hoạch sản xuất cung ứng điện 6 tháng cuối năm 2011 được đánh giá còn tốt hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm, nên nếu không có đột biến về thời tiết xảy ra thì khả năng thay đổi cơ cấu sản lượng điện phát, dẫn đến phải huy động các nguồn phát giá cao là rất thấp. Trong cơ cấu sản lượng nguồn phát, thuỷ điện có giá rẻ nhất lại đang chiếm tỷ trọng lớn và sản lượng ổn định nên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ gặp khó trong việc chứng minh yếu tố đầu vào biến động lớn nếu muốn đề xuất tăng giá điện.
Tăng giá… đang chờ Thông tư
Các thông số đầu vào như tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát và cả giá nhiên liệu đang diễn biến ổn định. Điện khó có thể tăng giá do biến động của những yếu tố này, tuy nhiên, gánh nặng nợ nần của EVN lại là chuyện khác. EVN hiện đang là con nợ của một số đối tác lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN, Tập đoàn Than khoáng sản VN. Điện lực Hiệp Phước... với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặt khác, ngay tại thời điểm tăng giá gần nhất 1/3, với mức tăng 15,28%, Bộ Tài chính vẫn cho rằng mức tăng này chưa đủ bù đắp chi phí. Điều này đồng nghĩa với giá điện hiện hành có thể EVN vẫn đang lỗ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trong trả lời phỏng vấn báo chí ngày 1/7 có nói đến việc hỗ trợ cho ngành điện, nhưng ông không nói cơ chế hỗ trợ cụ thể là gì nên người ta vẫn có lý do để nghi ngại. Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ đã trao quyền khá lớn cho EVN. Trường hợp các thông số đầu vào biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành tăng mức 5%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Nhưng nếu trong 5 ngày làm việc, Bộ Công Thương chưa có ý kiến trả lời thì EVN vẫn được phép điều chỉnh tăng giá bán điện 5% và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát. Trường hợp tăng trên 5%, Bộ Công Thương phải trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Nhưng sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình lên mà Thủ tướng chưa có ý kiến trả lời thì EVN cũng được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.
(Theo: Báo ĐT Gia đình )
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng