Đăng bởi | 00:16 | 11/07/2011
Số liệu khảo sát của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tiềm năng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta rất lớn, nhưng hiệu suất khai thác còn thấp, mỗi năm thủy điện nhỏ có tiềm năng 7000MW nhưng mới khai thác 800MW; điện khí sinh học chưa khai thác nổi 1MW, điện mặt trời mới khai thác được 1,5MW, điện gió chỉ khai thác được 31,5MW...
Ảnh minh họa: Internet
Ở Việt Nam, dự án điện gió bắt đầu được triển khai tại hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Hiện đã có 30MW điện gió đã được EVN mua.
Ninh Thuận có 13 dự án điện gió đang khảo sát, 4 dự án đã nhận Giấy chứng nhận đầu tư; tổng công suất lắp đặt dự kiến trong giai đoạn 1 là 277MW. Bình Thuận có 12 dự án, trong đó 4 dự án đã nhận Giấy chứng nhận đầu tư; tổng công suất lắp đặt dự kiến 1.541MW.
Theo kết quả khảo sát tại Bình Thuận, tổng diện tích khu vực có tiềm năng gió quy hoạch là 75.468ha. Tổng công suất điện gió tiềm năng khoảng 5.030MW. Với Ninh Thuận, chỉ số này lần lượt là 21.699 ha và 1.477MW.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng- Trưởng phòng Dự án lưới điện, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3- cho biết, tiềm năng gió của Việt Nam rất lớn, những vùng có tốc độ lớn đủ điều kiện để sản xuất điện gió chiếm đến 8% diện tích trên lãnh thổ cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển điện gió còn nhiều khó khăn, chủ yếu do khung pháp lý chưa có hoặc chưa cụ thể, hiệu quả đầu tư thấp do thu nhập từ bán điện cho EVN còn thấp và mức trợ giá còn ít.
Các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió cũng chung quan điểm: Chính sách của Nhà nước cho phát triển điện gió chưa rõ ràng, quy hoạch sử dụng đất chưa có, điện gió chưa được quy hoạch đấu nối lưới điện quốc gia, thu nhập từ bán điện cho EVN mới đạt 6,8 UScents/kWh (tương đương 1.317 đồng/kWh)...
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Viện Năng lượng Việt Nam- cho rằng, phát triển điện từ năng lượng tái tạo muốn đạt hiệu quả cao cần có cách tiếp cận dần. Thông qua những dự án đã thực hiện, chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc khảo sát, quy hoạch khu vực tiềm năng, xây dựng phương án triển khai phù hợp với từng địa bàn, nghiên cứu những ảnh hưởng, tác động của dự án, từ đó có sự hỗ trợ tập trung, tránh đầu từ dàn trải.
Theo bà Phan Thị Thủy Tiên- Trưởng Ban Khoa học công nghệ và môi trường EVN- nhân tố chủ yếu đem lại sự thành công cho các dự án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo là sự hợp tác chặt chẽ của địa phương và người dân. Các dự án được xây dựng phải bắt nguồn từ nhu cầu thực sự; có chuyển giao, tập huấn bài bản, tạo kỹ năng tốt cho công tác vận hành và chữa sau khi lắp đặt và đặc biệt sử dụng những công nghệ đã được chuẩn hóa.
Kinh nghiệm của Philippines- quốc gia có triển vọng dẫn đầu về năng lượng gió trong khu vực thập kỷ tới- cho thấy, thành công trong các dự án năng lượng tái tạo của Philippin được ghi nhận có sự "bắt tay" chặt chẽ của Chính phủ với khu vực kinh tế tư nhân.
Một tín hiệu vui cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió: Ngày 29/6/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 37/2011-QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, các dự án sẽ nhận được nhiều ưu đãi về giá mua điện, thuế và tiền thuê đất...Quyết định quy định EVN có trách nhiệm mua điện tại thời điểm giao nhận điện với giá 7,8 UScents/kWh (tương đương 1.614 đồng/kWh) và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng