Đăng bởi | 00:19 | 15/06/2011
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành- bày tỏ lo ngại: Khó khăn lớn nhất để tăng trưởng và đảm bảo cung ứng điện là vốn. 5 tháng qua, EVN mới thực hiện được 20% kế hoạch đối với các dự án cần triển khai, mặc dù đã giảm đầu tư 12 ngàn tỷ đồng nhưng nguồn vốn còn lại cần cho các dự án cũng không có để thực hiện.
Ông Thành đề nghị Bộ Công Thương “tác động” tới Bộ Tài chính để cho vay vốn với các dự án của ngành. Cùng chung lo lắng này, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May VN (Vinatex) - Nguyễn Tiến Trường cũng bày tỏ sức ép về giá vốn cao đã khiến giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may bị giảm sút mặc dù kim ngạch XK vẫn tăng trưởng, các DN không chủ động được việc mua và dự trữ nguyên liệu sản xuất.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VNĐ bình quân thực tế đến giữa tháng 5/2011 là khoảng 18,3%/năm, tăng 3%/năm so với cuối năm 2010. Trong đó, lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng thương mại khoảng 17,3%/năm (cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 16,6%/năm, cho vay sản xuất - kinh doanh khác khoảng 18,5%/năm). Tuy nhiên, đây chỉ là giá vốn “trong mơ” của các DN, bởi thực tế việc tiếp cận vốn khó khăn và cao hơn rất nhiều.
Lãi suất cao nhưng cũng không dễ vay được tiền bởi theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 19/5/2011 tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng khoảng 0,01% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VNĐ giảm 0,64%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 2,19%; tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng giảm 1,37% so với tháng trước. Khảo sát tại một ngân hàng trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), lãi suất huy động được để ở mức thấp nhất là 17-18% với số tiền vài chục triệu đồng và từ 19-19,5% với số tiền gửi vài trăm triệu đồng. Nhân viên ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay dao động từ 23-25%/năm nhưng cũng không dễ vay bởi ngân hàng lo sợ tăng trưởng tín dụng vượt quá quy định của NHNN. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn bày tỏ: Khó khăn về lãi suất đã và đang được nhìn thấy nhưng chưa thể giải quyết ngay lập tức, thực tế với lãi suất vay trên 20% thì khó DN nào sản xuất có lãi.
Không mong nhiều lãi, mà chỉ mong có đủ tiền để hoạt động qua khủng hoảng nhưng nhiều DN cũng khá chật vật. Bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cho hay: XK gạo trong 5 tháng qua đạt 1,6 triệu tấn, tăng chút ít so với cùng kỳ năm trước. Hiện lượng gạo tồn kho của DN là 450 ngàn tấn, các hợp đồng XK cần thực hiện là 300 ngàn tấn. Hiện nay khó khăn mà các DN trong hiệp hội đang gặp phải vẫn là lãi suất. Tuy có thể vay được vốn nhưng lãi suất quá cao, điều này ảnh hưởng tới việc mua lúa gạo dự trữ cho vụ hè thu sắp tới. Nếu để tình trạng chỉ có đơn hàng XK mới mua thì sẽ ảnh hưởng tới thị trường khi vào chính vụ: Có thể giá sẽ xuống thấp hoặc tăng quá cao do DN không thể chủ động. Ngoài ra, thiếu vốn cũng khiến DN lương thực không thể đầu tư vào kho tàng, nhà máy sấy để nâng cao giá trị gạo thương phẩm.
Ông Huỳnh Khánh Hiệp- Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho hay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong tháng 5 đã có sự chững lại, nhiều DN lựa chọn giải pháp sản xuất cầm chừng, không có tăng trưởng. Với ngành thép, Ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cũng phải thừa nhận khó khăn của ngành đã thấy trước khi phải đối mặt với vấn đề lãi suất. Theo ông Hưng, số liệu thống kê sản xuất có tăng trưởng trong 5 tháng qua nhưng tiêu thụ lại giảm so với cùng kỳ năm 2010, vì thế dự đoán 6 tháng đầu năm ngành thép sẽ không có số liệu tăng trưởng nữa!
(Theo: Báo Công Thương Online )
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng