Đăng bởi | 00:18 | 08/06/2011
Xe qua cầu Rạch Miễu - cây cầu cửa ngõ, niềm tự hào của quê hương Đồng Khởi Bến Tre - đoàn công tác chúng tôi không khỏi bồn chồn rạo rực khi nghe văng vẳng một câu hò lặng lờ trên sông Tiền:
“Chiều chiều quạ nói với diều,
Cù lao An Hóa còn nhiều cá, tôm…”
Bến Tre nào chỉ có tôm, cá không đâu! mà con sông Tiền Giang đã hào phóng bồi đắp phù sa cho cả 3 cù lao: Cù lao Bảo, Cù lao Minh và Cù lao An Hóa hình thành nên dáng đứng của quê hương Đồng Khởi hôm nay với 8 huyện: Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thành Phú, Chợ Lách và thành phố Bến Tre. Ngoài các loại cây trái sum suê 4 mùa như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, nhãn, chôm chôm…Có thể nói đặc trưng của Bến Tre là cây dừa đã đi vào lịch sử đấu tranh bất khuất của một vùng sông nước miền Nam. Đội quân tóc dài “…đi như nước lũ tràn về” của nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng nhân dân địa phương đã làm rực lên ngọn lửa Đồng Khởi của Bến Tre từ những năm 60 của thế kỷ XX : “Ôi những con người làm nên lịch sử.. Ôi những cây dừa để lại cho ta dáng quê…”
Bến Tre hôm nay phát huy truyền thống Đồng Khởi, trở thành một trong những mũi nhọn về kinh tế của đồng bằng sông Cữu Long với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 lên đến 230 triệu USD. Những mặt hàng chủ lực của Bến tre tập trung ở xuất khẩu thủy sản, cây ăn quả, trong đó cây dừa Bến Tre chiếm ưu thế với diện tích dừa toàn tỉnh hơn 50.000ha, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu những sản phẩm truyền thống: kẹo dừa, thạch dừa và sản phẩm mỹ nghệ từ dừa…Hai khu Công nghiệp Giao Long và An Hiệp đang rộng mở, thu hút các nhà đầu tư về với Bến Tre làm bật dậy những thế mạnh, tiềm năng kinh tế của quê hương.
Nói đến kinh tế hội nhập của Bến Tre hiện nay phải nói đến “bà đỡ” chính là điện năng. Nguồn điện quốc gia về với Trạm 220KV Bến Tre từ những năm 1989 tỏa ra 4 xuất tuyến đi về 4 trạm 110KV: Trạm Mỏ Cày, Trạm Ba Tri, Trạm Chợ Lách và Trạm Bến Tre. Từ đây, mạch máu điện lan tỏa đến các địa phương, tận các miệt vườn vùng sâu vùng xa với sản lượng thương phẩm hằng năm gần 500 triệu kWh và đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 14 -15,5%, khi cây cầu Rạch Miễu hình thành - chấm dứt vĩnh viễn những chuyến phà độc đạo qua sông Tiền nối cả nước với Bến Tre từ thời Pháp thuộc.
Ông Trần Minh Tâm - Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre - cho biết: -“ Hai vấn đề lớn mà Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang dõi theo sát sao tại Bến Tre từng ngày, từng giờ là công tác chống tổn thất điện năng và tiết kiệm điện. Điện để truyền tải và phân phối điện tại Bến Tre những năm gần đây vẫn còn ở mức 2 con số, năm 2010 đã kéo xuống được dưới mức 9% . Mặt trận chống tổn thất điện năng ở Bến tre vẫn đang ráo riết thực hiện theo tiến độ cải tạo cơ bản lưới điện khu vực đồng bằng sông Cữu Long sau khi hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Còn nóng bỏng nhất hiện nay trong mùa khô 2011 vẫn là phong trào vận động tiết kiệm điện”.
Thực vậy, đi giữa thành phố và các vùng cây trái của Bến Tre giữa mùa khô năm 2011, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng với quy mô tuyên truyền về tiết kiệm điện lớn, mạnh và… sâu rộng đến như thế. Những tấm băng rôn đỏ rực trên trời, những tấm Panô ken dày trên các con đường, những tờ rơi được chuyền tay nhau mang nội dung nhắc nhở và tác động mạnh trong cộng đồng:
-“Mỗi nhà chỉ thắp sáng một bóng đèn vào giờ cao điểm tối, còn hơn phải bị mất điện đến khuya!”
-“Tiết kiệm điện hôm nay, thắp sáng ngày mai”
-“Tiết kiệm điện nhiều hơn để thời gian mất điện ít hơn”
Không chỉ là khẩu hiệu, một biện pháp trọn gói được triển khai cụ thể, quyết liệt về phong trào tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng tại Bến Tre đang lan rộng đến từng người, từng nhà. Từ trường học, đến miệt vườn tưới tiêu cây trái, từng nhà máy, công trường, Xí nghiệp đã có những chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu và thi đua thực hiện.
Theo Ông Đoàn Thành Ân – Phó phụ trách phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Bến Tre : Công tác tiết kiệm điện luôn được triển khai đồng thời với công tác kinh doanh điện năng, nhưng rộ nhất từ năm 2005 lại đây khi Chỉ thị số 19/2006/CT-TTg ngày 02/06/2005 của Thủ Tướng Chính phủ về tiết kiệm điện được thực thi trên cả nước. Bến Tre có cách làm riêng, độc đáo, “đồng khởi mới” thành phong trào và trở thành một trong những đơn vị đạt hiệu quả cao về tiết kiệm điện toàn Tổng Công ty Điện lực miền Nam.
Thống kê cho thấy: Năm 2008, Bến Tre thực hiện tiết kiệm được 6.399.451 kWh, đạt 1,82% điện thương phẩm. Năm 2009, tiết kiệm được 6.120.934 kWh, đạt 1,55% điện thương phẩm và năm 2010 lượng điện tiết kiệm được tăng lên: 7.035.605kWh, đạt 1,31%. Những con số mang tính thuyết phục ấy đã cỗ vũ, tạo đà cho mùa khô năm 2011, bằng những biện pháp quyết liệt hơn, “tiết kiệm điện để không tiết giảm điện” dù nguồn cung đang gặp khó khăn trên phạm vi cả nước.
Để đạt được những bước tiến đó trong phong trào toàn dân tiết kiệm điện, ngoài các biện pháp chung về vận động tiết kiệm điện được triển khai ở các địa phương như : Phối hợp với Sở Công Thương, triển khai Chỉ thị của UBND tỉnh xuống các địa phương, làm việc với các đơn vị SXKD về chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi phí, sản lượng điện, phối hợp với các phương tiện truyền thông của tỉnh như Đài phát thanh truyền hình, Báo Đồng Khởi, in và phát tờ rơi về vận động tiết kiệm điện… Cách làm tiết kiệm điện ở Bến Tre còn có những nổ lực, bứt phá mới hơn, thiết thực và quyết liệt hơn nhiều.
Bến Tre đã huy động lực lượng đông đảo “đồng khởi” thành mặt trận : có cả lực lượng hàng triệu học sinh của 136 trường THCS và 31 trường THPT, lực lượng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh , Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ Nữ, và nhất là Hội nông dân cùng vào cuộc! Nhưng nòng cốt vẫn là 730 CBCNV Công ty Điện lực Bến Tre trở thành những tuyên truyền viên mẫu mực cả về lời nói và việc làm.
Bề nổi của phong trào luôn được hâm nóng ở mọi lúc, mọi nơi: Ngày 17/9/2010, “Ngày hội tiết kiệm điện” được tổ chức tại Bến Tre với các hoạt động sôi nổi: “Hội thi kể chuyện học sinh Bến Tre tiết kiệm điện”, “Hội thi vẽ tranh học sinh tiết kiệm năng lượng” do các học sinh 5 trường THCS tham gia được truyền trực tiếp trên sóng phát thanh truyền hình địa phương. Phụ nữ ở 8 huyện và thành phố Bến Tre cũng tham gia cuộc thi “Diễn đàn tìm hiểu về về tiết kiệm năng lượng”. Lần đầu tiên, những người quản lý “ hầu bao” gia đình được nói lên những kinh nghiệm sử dụng điện tiết kiệm trong chính gia đình mình.
Nét mới ở Bến Tre là tuyên truyền đi đôi với các biện pháp thực hiện cụ thể: Đoàn uỷ Công ty Điện lực Bến Tre đã phối hợp với Tỉnh đoàn đưa bóng đèn Compact tiết kiệm điện xuống 100 căn nhà tình thương vùa xây dựng cho các miệt vườn xa xôi cách trở: “Thắp sáng yêu thương - kết nối sức mạnh” . Từ năm 2008 đến năm 2010, 164 xã phường, thị trấn ở Bến Tre đã được lắp đặt gần 70.000 bóng đèn Compact trong phong trào “Điện sáng trên đường quê”. Đặc biệt, trong năm 2010 và quý I/2011, Công nhân Công ty Điện lực Bến Tre đã toả xuống các miệt vườn, vựa trái cây lớn của địa phương đổi được 90.483 bóng đèn Compact tiết kiệm điện thay bóng đèn sợi đốt cho 45.757 hộ nghèo và cận nghèo - theo chủ trương đổi 1 triệu bóng đèn Compact của Tập đoàn EVN. Ngoài ra , người dân được hướng dẫn rộng rãi về hiệu quả tiết kiệm điện trong sử dụng bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời đã tự giác lắp đặt trên 100 bình.
Đối với khách hàng các cơ quan, Xí nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện lớn ( >2.000kWh/tháng) như các khu chế biến thuỷ sản, thức ăn gia súc, sản xuất đá lạnh, Công ty Điện lực Bến Tre đã đến với khách hàng của mình, lắng nghe những khó khăn trong sản xuất và phấn đấu cấp điện trong mọi tình huống khó khăn nhất trên cơ sở công khai các phương án cấp điện do UBND Tỉnh phê duyệt. Có 183 đơn vị đã tự nguyện chia sẻ khó khăn với ngành điện bằng việc tự huy động nguồn Diesel với tổng công suất lắp đặt 16.112 kW. Đặc biệt, Công ty chiếu sáng công cộng Bến Tre đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động tiết kiệm điện bằng thực hiện phương án, đóng , cắt điện hợp lý theo mùa và cắt giảm 50% xen kẻ bóng đèn chiếu sáng công cộng, trang bị mới các loại bóng đèn Compact tiết kiệm điện thay cho bóng thuỷ ngân, làm cho thành phố Bến Tre rực rỡ hơn mà vẫn tiết kiện điện .
Những con số, những việc làm trong phong trào “đồng khởi mới” tiết kiệm điện của Bến Tre đã nói lên tính hiệu quả thiết thực tác động tăng trưởng vào nền kinh tế và phát triển đời sống toàn vùng cây trái Bến Tre hôm nay. Nhưng “cái được” lớn nhất là Bến Tre đã tạo ra được ý thức tự giác về lâu về dài trong cộng đồng để sử dụng điện an toàn và tiết kiệm năng lượng, hướng tới mục tiêu cuối cùng là góp phần bảo toàn tài nguyên đất nước và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chia tay Bến Tre - quê hương của chiếc áo bà ba trong phong trào Đồng Khởi của vùng sông nước miền Nam. Chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi qua cầu Rạch Miếu, biểu tượng của một vùng cây trái ngọt lành âm vang những câu hò nặng tình sông nước. Thanh bình, no ấm và phát triển đang bao trùm cả vùng đồng bằng sông Cữu Long . Trong đó, Bến Tre nổi lên như một con thuyền đang lao lên phía trước phát huy khí thế “đồng khởi” trong lịch sử hôm qua để đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội hôm nay mà phong trào tiết kiệm điện của Bến Tre chỉ là 1 trong những phong trào hiệu quả tiêu biểu, đang đi vào cuộc sống như mạch máu điện năng mãi rạo rực trên quê hương Đồng Khởi.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng